Innehållspublicerare

null Hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi cho vay xuất khẩu lao động

Chi tiết bài viết Tin tức nổi bật

Hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi cho vay xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, những khoản chi phí để đi XKLĐ là không dễ dàng. Do đó, chương trình vay vốn ưu đãi cho XKLĐ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang “tiếp sức” cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Thanh Bình có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình chị Trà Thị Tiến, Khóm Tân Đông A, Thị trấn Thanh Bình rất khó khăn. Đã nhiều lần chị có ý định cho đứa con trai đi XKLĐ nhưng do chi phí cao nên gia đình không thể xoay sở được. Thông qua chính quyền địa phương, được cán bộ NHCSXH huyện hướng dẫn, gia đình Chị được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đi XKLĐ Nhật Bản với số tiền 100 triệu đồng. Chị Tiến cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, vay vốn bên NHCS để cho con đi XKLĐ, đi về thấy hiệu quả rồi con tôi tiếp tục đi nữa. Vay 5 năm, nhưng con tôi đi làm được 1 năm mấy là trả dứt nợ luôn. Lúc đầu không có nguồn vốn để đi, cũng nhờ vay vốn bên NHCSXH nên hiện tại kinh tế gia đình cũng ổn định”.

(Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Phụng (bên phải) đến thăm hộ gia đình vay vốn xuất khẩu lao động hiệu quả)

Tương tự, gia đình anh Đoàn Quốc Huy, ngụ ấp 5 xã Tân Mỹ, năm 2017, thông qua kênh truyền thông, các tổ chức chính trị của địa phương, gia đình cũng được tiếp cận với nguồn vốn từ NHCSXH cho vay để cho 2 đứa con gái đi XKLĐ tại Nhật Bản với tổng số tiền 192 triệu đồng, tích góp được một số vốn, đến nay các con anh đã trở về nước và cũng có công việc làm ổn địnhAnh Huy cho biết: "Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Thanh Bình, cả 2 con được Tổ TK&VV hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để vay đi XKLĐ bên Nhật, hàng tháng cũng gửi về đóng lãi trả hết nợ gốc cho ngân hàng. Sau khi trả hết lãi, gốc, gia đình cũng gom số vốn xây được căn nhà khang trang, hiện tại cuộc sống gia đình rất ổn định, phát triển".

Xác định công tác XKLĐ là con đường “ngắn nhất” giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình đã triển khai hiệu quả các chương trình cho vay giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình tín dụng ưu đãi XKLĐ đã mang lại những kết quả tích cực.

Ông Lê Hữu Định –Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình cho biết: "Thời gian qua, chương trình tín dụng ưu đãi XKLĐ được người dân đánh giá cao về tính hiệu quả. Kết quả doanh số cho vay đến nay là 28 tỷ đồng với hơn 400 lượt lao động được vay vốn. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình, đơn vị sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo về công tác XKLĐ, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng chương trình đến mọi đối tượng để người dân tiếp cận với nguồn vốn cho vay của chương trình".

Theo quy định, các đối tượng được hỗ trợ vay vốn XKLĐ gồm: Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng và người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống tại huyện nghèo. Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện nay là 6,6%/năm); riêng với đối tượng vay vốn là lao động thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện là 3,3%/năm).

Có thể thấy, việc triển khai kịp thời, chương trình tín dụng chính sách cho vay XKLĐ của NHCSXH đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Kiều Trang

Innehållspublicerare