Publicador de continguts

null Kết quả nổi bật qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ trên địa bàn huyện Tháp Mười

Chi tiết bài viết Tin tức nổi bật

Kết quả nổi bật qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ trên địa bàn huyện Tháp Mười

Qua 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 trên địa bàn huyện Tháp Mười  đạt nhiều kết quả nổi bật. Từ 02 chương trình tín dụng ban đầu với dư nợ là 11.760 triệu đồng. Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tháp Mười đang triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ, tổng dư nợ  đạt 355.844 triệu đồng, tăng 344.084 triệu đồng, gấp 29,3 lần so với dư nợ khi thành lập, với 12.326 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.

Phương thức cho vay chủ yếu tại NHCSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tháp Mười là 342.705 triệu đồng với 12.205 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 96,3% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị .Có thể nói, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, tỉnh và huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Ông Vũ Đình Ngát, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Mỹ An cho biết:

“ Trong quá trình nhận nhiệm vụ ủy thác, Hội kết hợp với Ban nhân dân của Khóm  thường xuyên xuống khảo sát địa bàn, quan tâm đến đời sống phát triển của nhân dân , hộ gia đình có nhu cầu vay vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế, đồng thời làm tham mưu cho Ban giảm nghèo của thị trấn xét cho các hộ vay. Nhìn chung qua các hộ vay nguồn vốn của NHCSXH làm ăn phát triển đều có hiệu quả. Kinh tế phát triển, thứ hai nữa, các nguồn vốn đã tạo được công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương”

Để triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn các tổ tiết kiện và vay vốn (TK&VV) ở cơ sở. Tổ TK&VV do tổ chức chính trị xã hội thành lập, được chính quyền cấp xã chấp thuận cho phép hoạt động, gồm hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn cùng sống trên một địa bàn dân cư, hoạt động của Tổ theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Tổ TK&VV còn được UBND cấp xã giao nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi, có sự quản lý, hướng dẫn và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng ấp, trình UBND cấp xã phê duyệt và giải ngân trực tiếp tại Điểm giao dịch xã, thị trấn. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tháp Mười tham mưu Ban đại diện HĐQT huyện thành lập 13 điểm giao dịch tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng. Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của NHCSXH đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách, khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã. Đến nay toàn  huyện260 Tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại 62 khóm, ấp. Trong 20 năm qua, Tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa Ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội. Ông Hà Hoàng Dũng, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, Ấp 4 xã Mỹ Đông cho biết:

Là tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tôi thường tuyên truyền đến bà con,trước khi bình xét hộ vay,từ ngày 20 tới 25 tây hàng tháng là mình bình xét cho vay, những hội viên được đồng ý cho vay thì mình cũng phải tuyên truyền, hàng tháng sẽ thu lãi và đóng tiết kiệm hàng tháng đầy đủ cho NHCSXH  và trả theo định kỳ của Ngân hàng Chính sách là 6 tháng/ lần. Hiện tại tôi là tổ trưởng của 46 thành viên/ hộ, hàng tháng tôi đi thu được tỉ lệ đóng tiết kiệm và gửi tiết kiệm trong tổ của tôi, theo đánh giá của NHCSXH là đạt 95% “

Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao. Qua đó giúp cho trên 17.545 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 3.398 lao động, giúp cho 2.686 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trên 9.600 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, hỗ trợ xây mới và cải tạo 14.121công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây dựng, sửa chữa 1.262 ngôi nhà cho hộ nghèo và 26 căn nhà ở xã hội.... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập trên địa bàn, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,83% cuối năm 2021, đời sống của Nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện. Chị  Hồ Thị Phước Hoàng, Ấp 5 xã Mỹ Đông nói:

“Từ khi mà ra các chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh,sinh viên, chính sách vay giải quyết việc làm tới đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, thấy chương trình nào cũng thiết thực. Dân xin vay bên NHCSXH là những hộ khó khăn,cận nghèo, hộ nghèo, tất cả các chương trình hộ dân những hộ khó khăn ta rất mừng khi nhận được số tiền vay này để ăn nên làm ra, sử dụng đúng mục đích, làm có hiệu quả” 

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, thường xuyên bám sát nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW trong chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, đưa nội dung này vào nghị quyết phiên họp thường kỳ, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt cần quan tâm triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Từ khi thực hiện Chỉ thị đến nay, hàng năm UBND huyện đều chuyển từ 01 đến 02 tỷ đồng ủy thác sang cho NHCSXH huyện, nâng tổng số vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện lên là 10,7 tỷ đồng.

Qua đó đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bên vững, tăng thu nhập trên địa bàn.

Thời gian tới, huyện Tháp Mười sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tập trung nguồn lực cho NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng nhằm thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Publicador de continguts