Xuất bản thông tin

null Năm 2023, có 5.125 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách

Chi tiết bài viết Tin tức nổi bật

Năm 2023, có 5.125 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách

ĐTO - Chiều 24/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn – Trưởng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh (Ban Đại diện) chủ trì họp tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Đại diện.

Đại biểu dự họp

Trong năm 2023, Ban Đại diện tỉnh luôn bám sát các nhiệm vụ để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát của các thành viên Ban Đại diện, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác được chú trọng, kịp thời hỗ trợ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) xã hội được nâng lên. Nguồn vốn TDCS xã hội ngày càng phát huy hiệu quả, được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương và người dân ghi nhận, đánh giá cao, thực sự là công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn trong thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, kịp thời hỗ trợ giảm bớt khó khăn sau dịch bệnh Covid - 19, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong năm, nguồn vốn TDCS đã hỗ trợ 5.125 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội. Trong đó, có 1.054 lượt hộ nghèo, 1.925 lượt cận nghèo và 2.146 lượt hộ mới thoát nghèo; tạo việc làm cho 11.359 lao động; xây mới và sửa chữa 19.208 công trình nước sạch và 17.617 công trình vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 5.212 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ học tập; hỗ trợ 1.404 lao động có chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giúp 117 khách hàng vay vốn xây mới nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, giúp cho 36 lượt người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm... thực hiện hỗ trợ lãi suất 81.478 món vay với số tiền 52.899 triệu đồng.

Tổng nguồn vốn đến 31/12/2023 đạt 5.507.070 triệu đồng, tăng 752.814 triệu đồng với tỷ lệ tăng 15,83% so với năm 2022. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 4.204.190 triệu đồng, tăng 624.951 triệu đồng, tăng 17,46% so với năm 2022; nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 708.449 triệu đồng, tăng 48.609 triệu đồng so đầu năm, vượt 8,26% so với kế hoạch giao; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 594.431 triệu đồng, tăng 79.254 triệu đồng so năm 2022.

Doanh số cho vay năm 2023 đạt 1.670.350 triệu đồng với 41.925 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ năm 2023 đạt 959.129 triệu đồng, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 90,12%. Tổng dư nợ đến 31/12/2023 đạt 5.268.032 triệu đồng, với 155.579 khách hàng còn dư nợ, tăng 707.960 triệu đồng so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 15,53% và đạt 99,95% kế hoạch dư nợ năm.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Đại diện tập trung đề ra các giải pháp khắc phục các khó khăn như: giải ngân nguồn vốn nhận ủy thác địa phương tại một số phòng giao dịch; công tác kiểm tra, giám sát vốn ở một số tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã còn chậm so với kế hoạch đã xây dựng;  năm 2023 nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh tăng 7.345 triệu đồng so với năm 2022; nâng cao chất lượng hoạt động của một số Tổ tiết kiệm và vay vốn sếp loại trung bình, yếu; khách hàng đi khỏi nơi cư trú không có thông tin và có thông tin địa chỉ không cụ thể;…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh, ngoài tiếp tục thực hiện tốt quy chế hoạt động, Ban Đại diện HĐQT các cấp cần nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024 của Ban Đại diện từng cấp phù hợp với tình hình, đặc thù của địa phương, phân công thành viên phụ trách địa bàn cụ thể. NHCSXH tỉnh, huyện, thành phố rà soát các nguyên nhân, hạn chế, kịp thời tham mưu Ban Đại diện để có giải pháp đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, ngày càng phát huy hiệu quả nguồn vốn TDCS, đảm bảo nguồn vốn kịp thời đến với các đối tượng chính sách…

TN

Có thể bạn quan tâm